Đam Rông, vùng đất xa khó khăn của Lâm Đồng, song, một nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng bạt ngàn mắc ca và thu về tiền tỷ cho gia đình. Đó là anh Nguyễn Văn Nghiêm, ở thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng.
Anh Nghiêm trong vườn mắc ca của gia đình
Trang trại mắc ca mênh mông rộng 8 ha, có diện tích đã cho thu, có loại đang kiến thiết cơ bản, ai cũng ngạc nhiên với sự mạnh dạn của anh Nghiêm. Như hầu hết nông dân, anh Nghiêm cũng trồng cây cà phê là chính.
Năm 2011, theo lời giới thiệu của người thân về cây mắc ca, anh sang Đắk Lắk, tìm nhà vườn mua giống về trồng.
Anh kể lại: “Thời điểm 2011, giống mắc ca còn quá cao với gia đình, nhất là mắc ca ghép. Tôi mua 700 cây thực sinh về trồng đỡ, coi như thử nghiệm vì cũng lo không biết cây có phát triển không, ra trái không, có trái rồi bán cho ai. Nói chung là rất lo, vì lúc đó mắc ca còn rất mới và lạ”.
Anh cũng coi như trồng cây che bóng cho cà phê, chống xói mòn, lở đất. Không phụ lòng người, năm 2015, anh thu được 200 kg trái bói, những lứa hạt đầu tiên có giá tốt, mang lại thu nhập bên cạnh cà phê.
Những năm sau, mắc ca càng lớn càng phủ bóng, che lấp cà phê. Cộng với giá cà phê thất thường, thiếu lao động, anh Nghiêm quyết định chặt hết cà phê, chỉ trồng thuần mắc ca.
Đến nay, anh đã trồng 8 ha mắc ca, diện tích cho quả khoảng 4,5 ha. Năm 2019, anh thu hơn 9 tấn hạt tươi, giá 100 ngàn đồng/kg, thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng ở đất Đam Rông, đây thực sự là một nguồn thu mơ ước.
Anh chia sẻ, muốn trồng mắc ca thành công cần nắm rõ kỹ thuật, từ tạo tán đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giai đoạn quả nhỏ. Tuy là giống cây rừng, nhưng để mắc ca có năng suất, cần đầu tư phân bón.
Mắc ca ưa cả phân NPK và phân chuồng, đầu tư đúng cây sẽ khỏe, trái sai, hạt to và nhân giòn, ngon. Anh Nghiêm hạn chế thuốc BVTV, không dùng thuốc diệt cỏ, đợi cỏ lên cao dùng máy cắt, dập tại chỗ tận dụng làm phân hữu cơ, để bảo vệ sức khỏe cho mình và môi trường.
Những cây đạt 25-30 kg hạt/cây được giữ lại, những cây năng suất thấp, vỏ hạt dày anh cưa để ghép cải tạo. Anh Nghiêm đang thử nghiệm lấy chồi ghép từ cây mẹ chất lượng cao, để ghép cải tạo những cây năng suất thấp, trái nhỏ.
“Trồng mắc ca rất lợi, kể cả trồng xen hay trồng thuần. Cây không cần chăm sóc nhiều, đầu tư ít, công ít, đầu ra thoải mái, có bao nhiêu bán cũng hết”, anh Nghiêm chia sẻ.
Ban đầu, sản lượng còn ít, anh tách vỏ quả xanh thủ công. Khi lượng quả nhiều, anh đã mua máy tách vỏ, áp dụng cơ giới hóa sản xuất sau thu hoạch, giúp giảm chi phí, tăng năng suất gấp 10 lần. Ngoài ra, anh mua tủ sấy hạt, dụng cụ tách hạt, trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô.
Trái mắc ca sấy khô của anh Nghiêm được người tiêu dùng ưa chuộng vì độ tươi, giòn, thơm. Hiện, mỗi năm, anh Nghiêm cung cấp 1 tấn trái khô ra thị trường.
Trang trại mắc ca của anh Nghiêm là một điển hình của nông dân xã Đạ K’Nàng. Bà con tới tham quan, học hỏi anh Nghiêm sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm.
Anh chia sẻ, nếu trồng xen cà phê thì nên trồng thưa, (100 cây/1 ha) sẽ đảm bảo cả mắc ca và cà phê đều tốt. Ông Nguyễn Bá Nhân – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng đánh giá mô hình của anh Nghiêm là hướng sản xuất mới, tăng tính đa dạng cây trồng địa phương.
Từ thành công của anh Nghiêm, nhiều hộ DTTS cũng mạnh dạn trồng xen mắc ca trong cà phê, góp phần xây dựng vùng trồng cà phê bền vững.
Lâm Đồng: Gắn sản xuất – chế biến – tiêu thụ cà phê chất lượng cao
Để phát triển vùng cà phê chất lượng cao cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp gắn kết đồng bộ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ…
Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ giống cà phê chất lượng cao.
Theo Sở Nông nghiệp Lâm Đồng, diện tích cà phê toàn tỉnh đến nay ước đạt 174.142 ha (chiếm 60% diện tích toàn tỉnh), trong đó, cà phê kinh doanh 162.040 ha, năng suất gần 3,2 tấn/ha.
Giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh đã trồng mới và ghép cải tạo hơn 73.180 ha, hơn 10.281 tỷ đồng, xây dựng 5 vùng cà phê công nghệ cao, gần 1.744 ha. Còn lại 900 ha phân bổ đều các huyện còn lại.
Đặc biệt, cà phê Lâm Đồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, tổng sản lượng 75.493 ha/304.311 tấn. Cụ thể, tiêu chuẩn C.A.F.E Practices 700 ha/1.700 tấn; Rainforest Aliance 21.563 ha/86.894 tấn; 4C với 53.230 ha/215.717 tấn.
Riêng diện tích cà phê chè đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận đạt 5.424 ha/12.353 tấn với 3.600 hộ tham gia, tại vùng trọng điểm như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông.
“Hiện tại, giống cà phê chè ở Lâm Đồng phần lớn gồm Catimor chiếm khoảng 97% (7.983 ha), còn lại chiếm 3% (247 ha) là các giống như Typica, Bourbon, Catuara, TN1…
Kế hoạch 5 năm tới sẽ tăng diện tích cà phê chè chất lượng cao lên khoảng 10% (830 ha), chủ yếu giống Typica, Bourbon lấy từ 14 cây đầu dòng (10 cây giống Typica và 4 cây giống Bourbon) đã được Sở Nông nghiệp Lâm Đồng công nhận và giống THA1 đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từ năm 2018, 2019…”.
Cũng theo Sở Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 33 doanh nghiệp và hơn 250 hộ thu mua, chế biến cà phê nhân, công suất mỗi năm khoảng 300.000- 320.000 tấn, chiếm gần 80% tổng sản lượng. Trong đó có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến ướt, khoảng 40.000-50.000 tấn cà phê nhân/năm.
Lâm Đồng hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê bột đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP với công suất 5.676 tấn/ năm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác đã và đang đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Công ty TNHH cà phê Thái Châu (Đà Lạt), công ty TNHH Tám Trình (Lâm Hà)…
Đến nay, Lâm Đồng đã có 20 chuỗi liên kết/ 9.214 hộ tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 17.643 ha, hàng năm thu hoạch ổn định gần 60.000 tấn nhân, chiếm gần 11% tổng sản lượng cà phê trên địa bàn.
Tuy nhiên mô hình liên kết chuỗi cà phê chưa nhiều so thực tiễn sản xuất, dẫn đến sản lượng cà phê tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp. Trong khi đó việc bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng; kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông nội đồng… chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và mở rộng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao.
Thời gian tới, Lâm Đồng xác định cần hỗ trợ cơ sở ươm giống cà phê tiếp tục bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, từ đó công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhân rộng sản xuất các giống cà phê vối năng suất cao như: Thiện Trường, TR4, TR9, TR11, TS1, Hữu Thiên… Đồng thời, phát triển các giống cà phê chè nổi tiếng trên thế giới gồm: TN1, TN2, Typica, Bourbon, Catuara…
Ở khâu chế biến cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tổ chức lại “sản xuất theo mô hình chuỗi cà phê đặc sản, chất lượng, an toàn, bền vững gắn với các thương hiệu đã có…”.
Đăk Hà: Nỗi lo mùa thu hái cà phê
Hiện, vựa cà phê Đăk Hà bắt đầu vào vụ thu hái. Song, trái với không khí rộn ràng những năm trước, năm nay, người trồng cà phê bước vào mùa thu hái với nhiều nỗi lo.
Ngoài lo mất mùa bà con còn lo nhân công thu hái cà phê.
Dù cà phê chưa đạt tỷ lệ quả chín, song anh A Đức (thôn Đăk Vét, xã Đăk Pxi) đã phải huy động bà con, anh em đến thu hái để chạy lũ. Anh cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng mưa bão, nước sông Đăk Pxi đã làm 600 cây cà phê bị ngập úng gây rụng trái
Việc thu hái sớm, dù biết không đạt sản lượng, chất lượng nhưng vẫn là giải pháp duy nhất để phòng mất trắng nếu mưa bão tiếp tục kéo dài, nước sông Đăk Pxi dâng cao.
Không chỉ hộ dân có diện tích trên các sông suối lớn, nhiều hộ khác cũng phải hái sớm. Việc thu hái, dẫu biết chưa đạt năng suất, chất lượng nhưng với quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hái kịp thời vẫn hơn để vốn liếng bị mưa lũ cuốn.
Ngoài nỗi lo năng suất, sản lượng tụt giảm còn lo nhân công thu hái cà phê thời gian cao điểm của mùa vụ.
Ông Nguyễn Quang Tuyên tại thôn 2, xã Hà Mòn cho biết: Nếu các năm trước, việc luân chuyển, bố trí nguồn lao động tại chỗ tới các vùng chuyên canh được thực hiện hiệu quả, thì năm nay lại khó thực hiện.
Một nguyên nhân là lực lượng lao động trên không đáp ứng được yêu cầu cùng lúc, một phần vì hầu hết lao động này khi thu hoạch chủ yếu chạy theo số lượng, dẫn đến tình trạng bẻ cành, hái dối, không đảm bảo việc giữ vườn cây cho những năm sau.
Vì vậy, các chủ lô, rẫy tại Đăk Hà chuyển sang ưu tiên sử dụng lực lượng lao động miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam…. Song, số lao động này cũng không nhiều như mọi năm.
Ngoài những nỗi lo thường trực mùa thu hái, việc đầu tư sản xuất vẫn phải đảm bảo, trong khi giá cà phê không có dấu hiệu khả quan. Nhiều người trồng cà phê đang thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ do lợi nhuận không đáng là bao.
Giải pháp được lựa chọn nhiều năm nay là phơi, xay trữ nhân chờ được giá mới bán. Điều này có nghĩa các khoản chi đầu năm phải gánh lãi.
Được xác định là cây công nghiệp chủ lực, có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế – xã hội Đăk Hà, song, với những diễn biến tiêu cực của thời tiết, giá cả thị trường…, thì nỗi lo thường trực của người dân gắn bó với cây cà phê suốt nhiều năm chưa biết khi nào chấm dứt.