Liên tiếp xuất khẩu một lượng lớn hoa quả như xoài, nhãn, thanh long…với giá ổn định sang thị trường các nước Trung Quốc, Đài Loan, Úc, châu Âu, Mỹ, Nga, đã giúp nông dân Sơn La xóa bỏ nguy cơ “được mùa, mất giá”, thúc đẩy tư duy làm ăn lớn và phát huy lợi thế về phát triển nông sản ở địa phương.
Cách đây 2 năm, hơn 1 ha vườn đồi của gia đình chị Tống Thị Thanh Hương (ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu) chuyên trồng cà phê. Đã có lúc vườn cây bị bỏ bẵng không chăm sóc, do giá cả lên xuống bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp. Năm ngoái, gia đình chị Hương đã thay đổi tư duy làm ăn, chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ.
Qua nhiều vòng test thử nghiêm ngặt, sản phẩm thanh long đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga. |
Sau hơn 1 năm, hơn 1.000 trụ thanh long đã cho thu hoạch, năng suất và giá thành ổn định ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Vụ đầu tiên, qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt, sản phẩm thanh long đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga.
“Trước đây gia đình trồng chỉ nghĩ là bán trong nước, nhưng bây giờ đạt tiêu chuẩn bán sang nước ngoài thì gia đình rất tự hào khi thu sản phẩm xuất khẩu”, chị Hương cho biết.
Sản phẩm được đóng gói chuẩn bị xuất khẩu sang Nga. |
Hối hả đóng hộp và vận chuyển thanh long lên xe chuẩn bị cho chuyến xuất khẩu sang Nga, ông Trần Văn Đồng (ở bản Tiên Hưng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu) cho hay, gia đình ông cũng là 1 trong những hộ tiên phong dám phá bỏ cây chè – một loại cây trồng truyền thống gắn bó lâu đời với bà con dân bản sang trồng thanh long ruột đỏ. Sau gần 2 năm, 4 hecta thanh long đã cho vụ quả ngọt đầu tiên với dự kiến khoảng 3 tấn, trong đó chủ yếu để xuất khẩu sang Nga, và sắp tới là Hàn Quốc, Ấn Độ. Theo tính toán của ông Đồng, nếu 1 hecta chè trước kia cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm, thì với cây thanh long, thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng.
“Từ khi dùng phân hữu cơ cho các loại rau màu trong vườn, nhất là đối với cây thanh long này rất hiệu quả, chất lượng an toàn hơn. Các nước sử dụng cây thanh long lần trước đăng ký mua ít nhưng sau này đăng ký nhiều hơn, đặc biệt là những nước khó tính như Nga, Úc, Nhật Bản”, ông Đồng chia sẻ.
Năm 2018, cây thanh long ruột đỏ chính thức được đưa vào trồng thử nghiệm trên vùng đất Thuận Châu theo chương trình Dự án phát triển sản xuất sản phẩm thanh long liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 tại các xã: Chiềng Pha, Phổng Lái, Chiềng Ly. Hiện nay, toàn huyện có 26 ha, dự kiến giai đoạn 2020-2025 sẽ đạt 200 ha.
Tỉnh Sơn La xác định xuất khẩu nông sản là một trong những hoạt động trọng tâm của cả hệ thống chính trị và phải thực hiện một cách bài bản. |
Ông Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, để phát triển và mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ, huyện đã quy hoạch vùng trồng thuộc khu vực các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, khu vực đèo Pha Đin; tập trung tuyên truyền hướng dẫn người nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và nghiêm túc thực hiện liên kết chuỗi theo thỏa thuận.
“Huyện cũng xác định xuất khẩu nông sản là một trong những hoạt động trọng tâm của cả hệ thống chính trị và phải thực hiện một cách bài bản, các ngành chức năng tham gia phải thật trách nhiệm. Theo đó, đã tổ chức tuyên truyền để cây thanh long phát triển theo đúng định hướng chung của huyện cũng như của tỉnh và hỗ trợ bà con nhân dân các tiêu chuẩn về Vietgap và phát triển cây thanh long theo hướng hữu cơ”, ông Tiến nói.
10 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang thị trường Nga là tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân, mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản tới những thị trường “khó tính” trên thế giới./.