Thanh Hóa: Cất bằng đại học, cử nhân về quê xây dựng mô hình trang trại làm giàu

Với tấm bằng Đại học trong tay và có việc làm ổn định ở Hà Nội, nhưng anh Nguyễn Việt Dũng ở Thọ Xuân đã cùng vợ quyết định về quê nhà Thanh Hoá xây dựng mô hình trang trại. Tấm bằng đại học không phải là chiếc vé thông hành duy nhất để họ chạm đến thành công, bởi quan trọng hơn, thành công của họ đến từ nỗ lực và sự kiên trì không mệt mỏi.

Nhắc đến mô hình trồng cây ăn quả của vợ chồng anh Nguyễn Việt Dũng (SN 1986), ở thôn 7, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bà con nhân dân ở đây không ai là không biết. Mọi người nhắc đến anh với sự cảm phục về ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu dù bước đầu đã gặp những thất bại tưởng như phải dừng bước.

Anh Dũng từng học ngành Quản trị kinh doanh, đại học Kinh tế quốc dân. Vợ anh Dũng cũng tốt nghiệp đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội. Năm 2008 tốt nghiệp ra trường, anh Dũng làm việc trong một cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Công việc nhà nước của anh khiến nhiều người phải mơ ước. Thế nhưng, năm 2016, anh Dũng quyết định nghỉ việc ở Thủ đô để về quê nhằm phát triển kinh tế gia đình và được sống gần bố mẹ, họ hàng. Bắt đầu “khởi nghiệp” từ bưởi, anh Dũng chia sẻ: “Là giống trái cây đặc trưng của vùng đất đỏ xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, quả bưởi Luận Văn khi nhỏ cũng có màu xanh như các giống bưởi khác, nhưng khi già thì chuyển dần sang màu vàng và đến lúc chín đổi hẳn sang màu đỏ như quả gấc. Khi về quê, tôi đã chọn hướng đi này bởi không chỉ phát triển kinh tế mà đó còn là một giá trị văn hóa của địa phương cần được phục hồi”.

Mô hình của anh Dũng chủ yếu trồng các loại cây ăn quả như ổi, cam và bưởi.

Mô hình của anh Dũng chủ yếu trồng các loại cây ăn quả như ổi, cam và bưởi.

Từng tốt nghiệp ngành kinh tế, sẵn trong người có “máu” làm ăn, anh Dũng đã lặn lội đi học hỏi, tham khảo các mô hình và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả ở nhiều địa phương để về triển khai. Vừa làm, vừa học hỏi, mô hình theo hướng phát triển trang trại của anh Dũng dần được mở rộng. Tuy nhiên, đến khi cây vừa phát triển và bắt đầu để cây thương mại thì trận lũ lụt năm 2017 đã cuốn trôi, nhấn chìm khoảng 5 héc ta diện tích vườn. Không những thế, cả trăm tấn phân bón cây được anh Dũng mới mua về chưa kịp bón cũng đã bị nước lũ cuốn trôi hết. Không nản chí, không lùi bước trước khó khăn và tự nhủ với lòng mình “ngã chỗ nào thì phải đứng dậy ngay chỗ đấy, lấy thất bại làm đòn bẩy cho thành công”, anh đã không ngừng học hỏi, nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn, lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện tổ chức, đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn ở các mô hình khác để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hướng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, mô hình trang trại của anh Dũng đã có quy mô hơn 8 héc ta.

Mô hình trang trại của anh Dũng chủ yếu phát triển các giống cây ăn quả như: Ổi, cam và bưởi Luận Văn. Đã có khoảng 5.000 cây giống các loại được trồng trên diện tích trang trại của anh Dũng. Đến năm 2018, các loại cây như ổi, cam, bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch. Thu nhập từ mô hình theo thiết kế là 4 tỷ đồng/năm, nhưng bước đầu, mới chỉ cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mô hình trang trại của anh Dũng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Việt Dũng bên những cây bưởi Luận Văn, giống bưởi đỏ tiến vua nức tiếng xứ Thanh.

Anh Nguyễn Việt Dũng bên những cây bưởi Luận Văn, giống bưởi đỏ tiến vua nức tiếng xứ Thanh.

Các sản phẩm làm ra, anh Dũng đã nhập cho một số cửa hàng kinh doanh hoa quả sạch trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, Hà Nội và các địa phương khác.

Thời gian tới, mục tiêu lớn nhất của anh Dũng là phát triển giống bưởi Luận Văn. Hiện, anh đã trồng khoảng 1.000 gốc. Dũng chia sẻ, người trẻ chỉ cần biết tận dụng những lợi thế của địa phương, sử dụng ruộng vườn sẵn có thì không khó để làm giàu. “Mỗi khi về quê, thấy đất đai quê mình rộng mà còn bỏ trống nhiều. Bà con nông dân chưa biết khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, phí lắm. Làm giàu trên quê hương, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Hi vọng nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, sau đại học sẽ lựa chọn cho mình những con đường vào đời phù hợp nhất với mình”.

Chị Nguyễn Bích Phương, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Thọ Xuân, chia sẻ: “Chưa bao giờ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp lại phát triển sôi nổi, sâu rộng và được các cấp, các ngành quan tâm như bây giờ. Ở huyện Thọ Xuân đã có rất nhiều gương thanh niên lập nghiệp thành công ở nhiều lĩnh vực. Mô hình của anh Dũng là một trong những điển hình của thanh niên địa phương làm kinh tế giỏi. Không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Anh Dũng là thanh niên tiêu biểu và là gương sáng cho thanh niên về quyết tâm, nghị lực dám nghĩ, dám làm”.

Tin Liên Quan