Với chi phí đầu tư trồng thử nghiệm ban đầu hơn 10 tỷ đồng, vườn trồng các loại cây dược liệu công nghệ cao tại xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang phát triển rất tươi tốt trên vùng đất mới, thay cho hàng nghìn ha tiêu đã chết trắng trước đó.
Cụ thể, vườn dược liệu công nghệ cao này được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (trụ sở tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) triển khai trồng từ cuối năm 2018 theo mô hình trang trại trên diện tích cao su tái canh của Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê. Cây giống được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh lấy từ viện nghiên cứu ở Trung ương, sau đó tự ươm trong nhà màng rồi đưa ra trồng trực tiếp. Hiện nay, HTX đã trồng được khoảng 70% diện tích với khoảng 30ha.
Những luống dược liệu tốt xanh mơn mởn trên vùng tiêu chết
Để những luống dược liệu phát triển tươi tốt dưới khí hậu khắc nghiệt tại đây, bên cạnh việc tăng cường áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho dược liệu để tiết kiệm nước, đảm bảo mức tưới chính xác HTX còn thường xuyên bổ sung phân chuồng. Một số loại cây dược liệu đang được HTX triển khai trồng như đẳng sâm, cà gai leo, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy…
Sâm đương quy Nhật Bản phát triển tốt trên vùng đất tiêu chết
Những ha đinh lăng được áp dụng công nghệ tưới béc phát triển tươi tốt trong vườn cao su tái canh
Sau gần 1 năm triển khai, hiện tại những luống dược liệu tại đây phát triển khá tươi tốt. Để sản phẩm có được đầu ra ổn định, ngay từ khi triển khai mô hình HTX đã chủ động tìm đầu ra cho những sản phẩm dược liệu của mình bằng việc ký kết hợp tác với Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco và Công ty dược phẩm Nam Hà.
Với chi phí đầu tư trồng thử nghiệm hơn 10 tỷ đồng, các loại dược liệu đang ngày càng phát triển mạnh trên vùng đất khắc nghiệt
Hiện tại, trong các loại dược liệu HTX đang triển khai trồng có hai loại cây là cà gai leo và hà thủ ô được đánh giá dễ trồng, nhanh thu hoạch và mang lại kinh tế cao. Theo HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh, cây cà gai leo sau 4 tháng có thể thu hoạch được lứa đầu tiên, lợi nhuận năm đầu tiên 1ha có thể thu về 120 triệu đồng.
Tổng 3 năm trồng cà gai leo sẽ thu về 600 triệu đồng, năm cuối còn có thể thu hoạch gốc, sản lượng và giá trị của gốc cà gai leo ngang một lần thu hoạch cây.
Thứ hai là cây hà thủ ô đỏ, loại này sau 4 năm trồng sẽ thu hoạch. Hiện hà thủ ô có giá là 17.000 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt 1ha có thể thu về 80 tấn, còn trung bình sẽ là 50 tấn/ha
Cây hà thủ ô đỏ là một trong những loại dược liệu được HTX đẩy mạnh trồng và chăm sóc tại đây
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đoàn Minh Thắng – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh cho biết, trồng dược liệu quan trọng nhất vẫn là nguồn nước và phân chuồng. Sau hơn 1 năm đầu tư trồng thử nghiệm tại xã Ia Hlốp, HTX nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất này khá phù hợp với việc trồng và phát triển cây dược liệu.
“Về các loại dược liệu, đặc biệt là cây cà gai leo hoàn toàn không được dùng các chất kích thích. Trước đây (năm 2018), vì sử dụng chất kích thích nên mô hình cà gai leo đã thất bại ở Quảng Ngãi. Vì vậy, trong hợp đồng của HTX luôn luôn chú ý điều khoản nếu dùng chất kích thích sẽ bị hủy bỏ hợp đồng…”, ông Đoàn Minh Thắng khẳng định.
Để người dân có thể yên tâm hơn, HTX mời các hộ dân đến tham quan quan trang trại dược liệu
Được biết, đến đầu tháng 9/2019 HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh sẽ triển khai mô hình liên kết chuỗi sản xuất dược liệu với 10-15 hộ dân tại các xã lân cận. Đây có thể là một cơ hội cho người dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước thực trạng hồ tiêu và cà phê đang trên đà tụt dốc.
Vườn ươm cây đẳng sâm của HTX
Giám đốc HTX hướng dẫn người dân về các quy trình trồng và chăm sóc dược liệu
Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương khá thích hợp cho việc phát triển dược liệu, ông Thắng biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2019 HTX sẽ xuống giống phủ kín 40ha cây dược liệu các loại gồm hà thủ ô, xuyên khung, đẳng sâm, đinh lăng nếp, đương quy… Bên cạnh việc trồng, chăm sóc và tìm đầu ra cho vườn dược liệu, HTX cũng đã triển khai xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu và nhà máy tinh bột củ chuối.