Hiện cây dược liệu được bà con Hoàng Mai trồng chủ yếu là cà gai leo, mã đề, nghệ vàng, kim tiền thảo, xuyên tam liên… trong đó riêng diện tích cây nghệ vàng trên 200 ha, tập trung ở các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh. Tuy nhiên do đầu ra khó tiêu thụ nên nông dân chưa mặn mà với cây dược liệu.
Địa bàn huyện Nghi Lộc có khá nhiều diện tích cây dược liệu, tuy nhiên do “tắc” đầu ra nên nhiều bà con bỏ cây trồng này. Ông Trần Long ở xóm 1 xã Nghi Văn cho biết: Gia đình trồng 3 sào nhân trần và mã đề, những năm trước bán với giá 30.000 đồng/kg nhân trần. Tuy nhiên, từ năm 2018 đầu ra cho cây dược liệu khó khăn, có thời điểm tồn hàng phải bán tống bán tháo, vì vậy gia đình đã phải bỏ cây dược liệu chuyển sang trồng màu.
Tuy nhiên, cây thuốc ở Nghệ An ngày càng suy giảm. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn. Nhiều cánh rừng trước đây có trữ lượng lớn những cây làm thuốc như: Hoàng đằng, ngũ gia bì chân chim, thiên niên kiện, bách bộ, cẩu tích… nay đã dần biến mất.
Một số loài quý hiếm đang ở nguy cơ bị tuyệt chủng. Đơn cử như với loại kê huyết đằng, có thể khai thác khoảng 50 tấn/năm, nay chỉ còn rải rác trong Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống…
Hầu hết các dược liệu mà người dân tự ý khai thác được tư thương thu mua, xuất sang nước Trung Quốc với giá rẻ. Nguyên nhân một phần là thời gian vừa qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức về cả quy hoạch và chính sách đầu tư. Như chưa có chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu cũng như ưu tiên sử dụng dược liệu trong tỉnh. Đang thiếu thông tin kết quả nghiên cứu cơ bản về cây thuốc ở Việt Nam, như hoạt tính, hoạt dược, điều kiện canh tác, sản xuất giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… Chưa có kết nối theo chuỗi trong sản xuất dược liệu, thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực này…
Để nâng cao giá trị cây dược liệu, cần chuyển dần từ sản xuất nguyên liệu, dược liệu sang chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, xây dựng thương hiệu cho từng vùng, từng địa phương tạo thế mạnh để ổn định thị trường. Ưu tiên nghiên cứu lựa chọn loài có giá trị kinh tế, giá trị sử dụng phù hợp với điều kiện sinh thái trong quy hoạch vùng nguyên liệu để gây trồng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, ông Trần Quốc Thành cho biết thêm: Đẩy nhanh lộ trình điều tra, đánh giá dạng sinh học, nhất là đối tượng dược liệu trên khu vực miền Tây, đồng thời sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An.
Cùng đó, các huyện, các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển (trồng và sơ chế), hình thành chuỗi liên kết. Tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và nhà máy chiết xuất hoạt chất và đông dược trên địa bàn tỉnh.