Sâm Bố Chính từng rất nổi tiếng từ thời người Chăm sinh sống ở Bắc Đèo Ngang. Trải qua giai đoạn lịch sử, sâm Bố Chính đã thất truyền và nay đang sống lại.
Báu vật Chóp Chài
243 năm trước, nhà bác học Lê Quý Đôn đã dành những dòng trang trọng trong sách Phủ Biên Tạp Lục về sâm Bố Chính: “Châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong… Nhân sâm sản xuất ở các xã Phù Lưu, Tiên Lễ, trồng trong chậu cát cũng sống, chưng phơi đúng phép thì chẳng khác gì sâm Bắc, mùi thanh ngọt, uống vào cơ thể tăng thêm khí lực, người ta dùng nhiều”.
Có những đêm mấy anh em đứng giữa vườn sâm chết không cầm nổi nước mắt. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu số phận gắn chặt vào đồng vốn bỏ ra, đau xót một thì tiếc mười vì cách cây sâm Bố Chính ra đi. Phùng Hiệp chia sẻ |
Sách xưa như Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Bình sâm tức nhân sâm Nam, sản xuất ở núi Thành Thang huyện Minh Chính, có lệ tiến”. Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cũng nhắc đến sâm Bố Chính hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác. Gần đây, trong sách “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi, cũng viết sâm Bố Chính là vị thuốc quý.
Bắc Bố Chính hay Minh Chính được định danh là huyện Quảng Trạch ngày nay. Đất tổ của cây nhân sâm này được phát lộ ở vùng núi Chóp Chài của các xã Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Lưu, Quảng Thanh… Cụ ông Nguyễn Công ở Quảng Lưu nói: “Núi Chóp Chài là núi chứa nhân sâm Bố Chính hiếm có. Sâm Bố Chính có mặt ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, nhưng loại ở Bố Chính được các thầy thuốc Đông y ghi nhận tốt hơn tất cả”.
Sâm Bố Chính ở núi Chóp Chài sống với tính cách hưởng hết những thái cực khắc nghiệt của núi Hoành Sơn-Đèo Ngang, vậy nên tinh chất của củ sâm đều có sự vượt trội mà giới tinh hoa mấy trăm năm trước luôn săn tìm. Có những lúc núi Chóp Chài tìm mãi mới thấy phần ít sâm Bố Chính vì bị săn tìm rất nhiều. Nó được xem như báu vật của người dân quanh vùng. Cũng vì thế cụ Nguyễn Hàm Ninh, một danh sĩ nhà Nguyễn, đã có loại Minh Mạng thang riêng biệt trong số rất nhiều loại Minh Mạng thang, dâng lên vua Minh Mạng và được nhà vua rất tin tưởng.
Phục dựng lại cây sâm
Khoảng 100 năm trở lại đây, sâm Bố Chính ít khi được nhắc đến. 3 năm trở lại đây, một thanh niên từ Hà Nội vào lập nghiệp, đó là anh Phùng Hiệp đã đọc nhiều tài liệu, kết duyên với sâm Bố Chính và tìm đất trồng cho bằng được dòng sâm tiến vua một thời để giữ lại nguồn gen quý hiếm, cũng như đưa sâm Bố Chính ra phục vụ thế giới. Hiệp kể: “Em càng tìm hiểu càng mê say với cây sâm Bố Chính, bởi tinh chất của nó trồng trên đất Quảng Bình có sự phù hợp về dinh dưỡng, các hoạt chất phòng và chữa bệnh ung thư, tạo sinh lực, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Đặc biệt làm cho trẻ em biếng ăn thấy ngon miệng mà không có bất cứ tác dụng phụ”.
Để có những nhận xét đó, Hiệp đã mất ăn mất ngủ nhiều ngày với những mảnh vườn đồi thuê của người dân bản địa trồng thử nghiệm giống sâm từng một thời vang bóng này. Ban đầu Hiệp về Hà Nội, cầm cố sổ đỏ của mẹ cha để phiêu lưu cùng loài cây từng nhắc trong sử sách tiền nhân. Các khu rừng ở Quảng Bình có giống sâm Bố Chính, Hiệp đều thửa giống về. Khi thành công bước đầu, anh đã đưa củ sâm sang Hàn Quốc xét nghiệm: “Các chuyên gia nhân sâm Hàn Quốc ngạc nhiên vì dòng sâm Bố Chính trồng ở Quảng Bình 1 năm tuổi có giá trị dinh dưỡng bằng giống sâm Hàn Quốc trồng 5 năm tuổi. Đấy là sự thừa nhận của các chuyên gia sâm”.
Hiệp đầu tư thuê 2.000m2 đất trồng thử nghiệm đại trà phía Tây TP Đồng Hới. Từ những hạt màu đen, gieo xuống, nảy mầm là cả sự hồi hộp lo lắng, hy vọng. Cánh hoa đầu tiên nở bung rồi cả vườn đồi nở đỏ phớt màu sâm Bố Chính, Hiệp cùng cộng sự vui mừng như đã đi đến thành công. Nhưng một hôm, nhiều thân cây sâm Bố Chính lụi tàn dần, chết cả góc vườn, cứu mãi không được, vườn sâm tiền tỷ chết trắng.
Đổi đời bà con nông dân
Trong khó khăn, Hiệp đã tìm đến các giảng viên Khoa Nông lâm Trường Đại học Quảng Bình tìm ra nguyên nhân cây sâm chết đột ngột. Anh lại về Hà Nội, thuyết phục người thân cầm cố thêm tài sản để đầu tư thuê đất gò đồi ở tiểu khu Hữu Nghị, nông trường Việt Trung gầy dựng lại từ đầu. Sâm Bố Chính đã quay lại với Hiệp cùng các cộng sự. Hôm tôi đến rẫy sâm sâu trong góc núi, cả mấy ha đều nở hoa màu tím, phớt hồng rất đẹp. Hiệp cho công nhân đào thử một cây, củ sâm chắc nịch, râu sâm xung quanh khá nhiều, mùi thơm toát ra vị thanh ngọt khi nếm tươi.
Hiệp nói: “Sau thất bại, em được các anh chị ở Đại học Quảng Bình hỗ trợ, hợp tác trồng lại 30ha sâm vụ mới này đã rất chắc ăn. Không còn sâu bệnh, không bị chết trắng. Từ đó em mạnh dạn liên kết ngay với bà con trong vùng nhân rộng lên 50ha. Ngoài ra, em liên kết với nông dân trong tỉnh trồng theo hình thức hữu cơ, công nghệ cao 500ha”. Trên ruộng sâm, Hiệp thuê 100 nhân công bản địa chăm sóc hàng ngày cùng các kỹ sư nông nghiệp thuần thục. Hệ thống tưới nước nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn cách trồng sâm theo quy trình của VietGAP, GACP-WHO nhằm đưa sâm Bố Chính xuất khẩu ra thế giới trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang, trong một chuyến thăm vùng trồng sâm, đã khuyến khích: “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện đang là chủ trương được tỉnh khuyến khích đầu tư. Việc đưa vào trồng những giống cây mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những hướng đi đúng. Với những thành công bước đầu, tôi mong muốn Hiệp sẽ tiếp tục đầu tư vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất và tạo dựng thương hiệu cho sâm Bố Chính của Quảng Bình trong tương lai gần”.
Thấy dòng sâm này quý và có giá trị, một tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đã ký kết hợp tác chuyển giao dây chuyền chế xuất sâm hiện đại. Chuỗi dây chuyền sản xuất có thể sản xuất các sản phẩm, như: sâm tươi, sâm khô, kẹo sâm, nước chiết xuất từ sâm… |