Cây dây thìa canh hay còn gọi là cây dây muôi, đang được gia đình ông Lâm Thanh Vân (62 tuổi) trú tại xóm 7, xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu (Nam Định) trồng để bán cho các công ty dược làm thuốc, trung bình cứ 1 sào lãi gần 20 triệu đồng/năm.
Về xóm 7, xã Hải Lộc, chúng tôi tới thăm vườn cây thìa canh của gia đình ông Vân với những hàng cây thẳng tắp đang xanh mơn mởn. Trong câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, cây thìa canh bén duyên với ông cũng thật tình cờ, giống như cơ duyên vậy.
Nhờ trồng hơn 4 sào cây thìa canh mà mỗi năm gia đình ông Vân có thu nhập trên dưới 80 triệu đồng.
Trước khi đến với cây thìa canh, vợ chồng ông Vân lúc nào cũng đầu tắt mặt tối với cây màu, quanh năm vất vả nhưng cũng cuộc sống cũng chẳng khấm khá là bao. Qua sự giới thiệu của bạn bè, ông tình cờ biết đến cây thìa canh, sau khi tìm hiểu ông nhận thấy đây là loại cây dược liệu khá dễ trồng, giúp gia đình ông có thể thoát nghèo nên ông đã quyết định chuyển sang trồng loại cây này.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Vân cho biết, hiện nhà ông đang có hơn 4 sào trồng cây thìa canh với hàng nghìn gốc to nhỏ khác nhau. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán cho các công ty dược về làm thuốc với sản lượng gần 2 tấn dây thìa canh khô.
“Cây dây thìa canh trung bình mỗi năm cho thu hoạch 4 lần, với diện tích hơn 4 sào thì mỗi năm tôi thu hoạch về được gần 2 tấn dây thìa canh khô. Hiện giá thu mua đang dao động ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg khô, tính ra cũng được trên dưới 80 triệu đồng”, ông Vân tiết lộ.
Dây thìa canh khô được bán với giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Nói thêm về cây thìa canh, ông Vân cho hay, không giống như các loại cây trồng khác, thìa canh là một loại cây cực kì dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp và nhanh cho thu hoạch.
Sau khi trồng từ 6 đến 8 tháng là cây bắt đầu cho thu hoạch và thu hoạch liên tục từ tháng 4 cho đến tháng 12. Ngoài ra, đây là một loại cây có rất nhiều tác dụng với sức khỏe con người, đặc biệt trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu.
“Cây thìa canh không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Đây là loại cây vô cùng dễ trồng nên ai cũng có thể trồng được, đặc biệt là cho hiệu quả không thua kém gì so với các loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao”, ông Vân cho hay.
Nhờ trồng cây thìa canh mà gia đình ông Vân có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống trở lên khấm khá hơn trước.
Theo cách tính toán của ông Vân, cứ một sào cây mỗi năm cho thu hoạch 4 lần, mỗi lần được khoảng hơn 1 tạ dây khô. Tính ra 1 sào cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này, tính ra thìa canh cho thu nhập hơn lúa gấp nhiều lần, “ăn đứt” một số cây dược liệu khác.
Để chứng minh ưu thế của cây dây thìa canh, ông Vân lấy ngay ví dụ về trồng cây đinh lăng. Cây đinh lăng phải mất 2-3 năm trồng mới cho thu hoạch, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi sào cũng chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Hơn nữa, cây “khó tính” hơn thìa canh, không chịu được úng ngập, dễ bị thối gốc, vàng lá, sâu bệnh.
“Có lẽ vì vậy mà nhiều hộ dân trong xã cũng đã chuyển dần từ trồng đinh lăng sang dây thìa canh”, ông Vân cho biết.
Cây thìa canh có rất nhiều tác dụng với sức khỏe con người, đặc biệt trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu.
Nhận thấy hiệu quả của loại cây này mang lại, đầu năm 2012, ông Vân đi vận động các hộ dân cùng trồng loại cây này để thành lập Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến dược liệu Nam Lộc do ông làm giám đốc.
Hiện nay, HTX trồng cây thìa canh ở xã Hải Lộc có 19 hộ tham gia với diện tích khoảng 10 ha. Ngoài việc hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc cây thìa canh cho các hộ xã viên, HTX còn bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ xã viên…