Nhờ có sự cố gắng và quyết tâm, chàng trai trẻ đã có mức thu nhập khiến bao người mơ ước.
Vừa đón lượt khách vào vườn tham quan nho hạ đen, anh Lưu Văn Hải (1991), trú tại Ba Gò, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, lại xếp từng chùm nho vào thùng để gửi cho khách.
Năm nay là năm thứ 4 anh trồng nho hạ đen, thời điểm đầu anh chỉ trồng diện tích nhỏ, còn hiện tại anh đã trồng 1,5ha. Mỗi ngày, anh đón khoảng 70 khách đến tham quan, hái nho trong vườn.
Khách đến tham quan vườn nho để chụp ảnh và trải nghiệm.
Với diện tích này, anh dự tính vụ này sẽ thu hoạch được khoảng 6 tấn quả, mỗi năm sẽ thu hoạch 2 vụ. Mức giá bán tại vườn mấy năm nay đều không đổi là 150.000 đồng/kg. Ngoài bán nho tươi, anh còn làm thêm mật nho, rượu nho để khách hàng có thể trải nghiệm thêm khi tham quan vườn. Trong đó, mật nho giá 150.000 đồng/lít, rượu nho là 100.000 đồng/lít.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh cho biết đã phải từ bỏ một công việc với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, mức lương mà nhiều người mơ ước.
Trở về nhà trước sự hoài nghi, lo lắng của bố mẹ về tương lai của mình, anh Hải tìm hiểu rất kỹ việc trồng cây gì để phát triển kinh tế. Anh đã xin bố mẹ mảnh vườn trồng bạch đàn để chuyển đổi canh tác sang cây nho hạ đen.
Dù đã tìm hiểu khá kỹ càng về kỹ thuật và cách chăm sóc, anh vẫn thất bại ở vụ đầu tiên. Mưa bão ở miền Bắc, cộng với nắng nóng khiến cây nho hạ đen ảnh hưởng rất lớn trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Việc chăm sóc đã rất vất vả, đến lúc cây chuẩn bị đậu quả, một trận bão lớn đã làm mái che rách nát, cột chống gẫy, giàn sập… thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Những chùm nho hạ đen đang được bán giá 150.000 đồng/kg.
Từ năm sau, anh đã có kinh nghiệm hơn nhưng cũng không mấy thuận lợi. Vụ nho đầu tiên thu hoạch anh có được một ít tiền lãi. Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, anh tiếp tục mở rộng lên.
Anh cho biết trồng nho hạ đen thật sự vất vả, để kiếm được số tiền 500 triệu đồng/năm quả thực không hề dễ dàng. Với thời tiết miền Bắc, người trồng cần phải làm giàn có mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương giá, ngăn chặn nấm, sâu bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, người trồng cũng cần theo dõi từng gốc nho hàng ngày để phát hiện ra sâu, bệnh để xử lý cho kịp thời. Khi nho kết trái, người trồng lại cần cắt tỉa bớt, chỉ để khoảng 50-70 quả/chùm để quả to, mã đẹp. Đặc biệt, để nho khi thu hoạch có độ ngọt cao, anh phải cắt nước trước thời điểm thu hoạch để cây tích đường vào quả.
Đầu ra giống nho này rất ổn định, anh có bao nhiêu cũng bán hết.
Anh đóng thùng gửi đi cho khách.
Gần 4 năm trồng nho hạ đen, anh cho biết chưa năm nào phải lo đầu ra cũng như giá của loại quả này. Người dân địa phương vẫn là nguồn tiêu thụ chính những chùm nho nhà anh. Ngay cả khi có dịch, vườn nhà anh vẫn thu hút rất nhiều bạn trẻ và những người quanh vùng đến chụp ảnh, hái nho tại vườn, còn giá bán vẫn không thay đổi.
Ngoài trồng nho hạ đen, anh đã trồng thêm nho sữa trong trang trại của gia đình. Và anh phát triển theo mô hình du lịch, trải nghiệm để giúp mọi người được vào chụp ảnh, trải nghiệm thực tế tại khu vườn nhà mình.