PGS.TS Dương Văn Chín chỉ ra những yếu tố khiến loại vải không hạt của Nhật Bản có giá thành cao ngất ngưởng (5 triệu đồng/kg).
Loại vải này được bán tại một hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội với giá 990.000 đồng mỗi hộp đóng gói sẵn. Mỗi hộp vải nặng 200 gram, gồm 8 quả. Như vậy, tính ra mỗi quả vải có giá gần 125.000 đồng, hay mỗi kg vải có giá 5 triệu đồng. Loại vải này không có hạt, vỏ dày màu đỏ ruby và vị ngọt lịm.
Theo thông tin trên bao bì và cửa hàng, vải được trồng tại thị trấn Miyazaki, tỉnh Saga, Nhật Bản.
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, việc trồng vải thiều ở Nhật Bản rất khó khăn và công phu do đây là loại cây nhiệt đới, trong khi Nhật Bản có khí hậu phức tạp, với mùa hè ngắn còn mùa đông dài và lạnh. Vì công canh tác và sản lượng ít nên giá vải đội lên rất cao.
“Nhật Bản không chạy theo số lượng mà rất chú trọng đến chất lượng. Thay vì trồng cả hàng trăm ngàn tấn, họ chỉ cần một lượng rất ít, tập trung vào chất lượng và mỗi sản phẩm được bán với giá rất cao.
Họ khai thác những sản phẩm, loại cây trồng thật đặc sắc, phù hợp với thời tiết, khí hậu đặc thù của vùng nào đó bởi chính thời tiết, khí hậu đó làm cho chất lượng nông sản cao vượt bậc.
Nhật Bản đồng thời cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù. Có nhiều nước trồng vải nhưng chỉ có một giống vải trồng ở vùng đặc thù của Nhật Bản nên họ xây dựng thành thương hiệu đặc sắc, được các tổ chức uy tín của Nhật Bản hoặc quốc tế chứng nhận.
Chẳng hạn, sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA).
Như vậy có nhiều yếu tố tác động mới nâng cao được giá trị của nông sản lên”, PGS.TS Dương Văn Chín phân tích.
Chẳng hạn, nếu đó là sản phẩm biến đổi gen thì người Nhật sẽ ghi rõ trên nhãn sản phẩm rằng đó là sản phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng ai chấp nhận thì mua. Tương tự, sản phẩm không biến đổi gen cũng được ghi trên nhãn.Trước lo ngại những nông sản như vải không hạt có thể là sản phẩm biến đổi gen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành khẳng định, đối với người Nhật, minh bạch thông tin rất quan trọng, do đó mọi thông tin về sản phẩm đều được ghi trên nhãn bao bì.
Từ câu chuyện quả vải Nhật giá cao ngất ngưởng khi về Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, Việt Nam cũng có thể nâng cao giá trị nông sản của mình.
“Như trái vải thiều ở miền Bắc có chất lượng rất cao so với vải của nhiều nước khác, do đó Việt Nam cần xây dựng vùng trồng vải thiều đặc biệt của miền Bắc, đăng ký chỉ dẫn địa lý, trồng theo quy trình nào…
Khi có sản phẩm đặc sắc được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận thì phải có doanh nghiệp đứng ra thu mua loại vải thiều đó để có xác nhận thương hiệu và bán với giá cao, tiêu thụ được cỡ nào thì mở rộng diện tích ra cỡ đó. Khi doanh nghiệp bán vải với giá cao thì mới trả được cho người nông dân mức giá tương xứng, có như vậy người sản xuất mới bền vững.
Doanh nghiệp có thể phân ra nhiều loại sản phẩm. Ví dụ, loại 1 xuất khẩu sang thị trường cao cấp, loại 2 xuất khẩu sang thị trường trung bình, không khắt khe lắm hoặc tiêu dùng nội địa; loại 3 không cần mẫu mã đẹp nhưng chất lượng vẫn ngon để đóng hộp.
Doanh nghiệp phải đảm bảo ký kết và bao tiêu hết sản phẩm của người nông dân. Sau khi ký kết rồi mới bắt buộc người nông dân trồng đúng quy trình của mình, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản…. Những điều ấy doanh nghiệp phải lo đảm đương”, PGS.TS Dương Văn Chín chỉ rõ.
Trở lại với thực tế hiện nay, vị chuyên gia cho rằng cách làm nông sản của Việt Nam đang thiếu bền vững. Nhiều loại trái cây hiện nay đang được phát triển theo phong trào, như giống mít Thái Lan, một thời gian người nông dân thấy có giá thì trồng ào ào, sau không ai mua nữa, giá xuống thấp thì lại phải đốn bỏ.