3 loại “kỳ hoa dị thảo” trái mọc từ thân, hái bán mãi không hết
Không giống như trái cây thông thường hay mọc trên cành, những loại “kỳ hoa dị thảo” dưới đây lại có “sở thích” đặc biệt: Mọc quả từ thân cây.
Nho thân gỗ là một trong những ví dụ điển hình của giống cây mang lại lợi nhuận khổng lồ nhờ khả năng sinh trưởng vô cùng nhanh chóng.
Loại cây này có khả năng thích nghi tốt với khí hậu nước ta, thời gian cho trái của cây là từ 2-3 năm.
Thời điểm mới xuất hiện ở Việt Nam, nho thân gỗ có giá bán lên tới 200 – 250.000 đồng/kg. Nhiều người bán chia sẻ, nhờ việc bán trái và thực phẩm từ nho thân gỗ, họ có thể kiếm được doanh thu lên tới 1 tỉ đồng/năm.
Ngoài khả năng cho nhiều trái quanh năm, cây còn có ưu điểm là ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc.
Có thể nói rằng, nho thân gỗ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho nhiều nhà vườn để đầu tư và buôn bán.
Ngoài nho thân gỗ, dâu rừng cũng là loại cây cho quả mọc từ thân, có giá trị kinh tế cao.
Dâu da rừng thường mọc ở vùng núi rừng Tây Bắc. Đây là giống cây thân gỗ lớn, đến mùa quả mọc thành từng chùm sai trĩu trịt từ gốc đến cành cây.
Mỗi cây dâu da rừng to có thể cho thu hoạch từ 3-4 tạ quả. Quả dâu da rừng có thể bán với giá từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ dân vùng núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên…
Dâu da rừng ngon là những quả có vỏ mịn, bóng, màu đỏ đậm bắt mắt.
Loại quả này khi non quả có màu xanh có vị chua, khi chín có vị ngọt thanh, nhiều nước, chứa nhiều chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Tương tự dâu da rừng, sung nếp cũng là một loại cây “hái ra tiền”. Đặc biệt, đây là giống sung thơm, vị giòn và ngon nhất trong họ nhà sung. Chúng thường mọc hoang ở ven bờ suối, bờ ao ở các vùng nông thôn.
Sung nếp cho trái quanh năm, dễ dàng mang lại lợi nhuận “khủng” cho người trồng.
Sau khi được sấy khô, sung nếp sẽ được rao bán trên chợ mạng với giá khá cao, dao động từ 190 – 200 nghìn đồng/kg.
Ngoài việc được sử dụng như một vị thuốc dân gian, sung nếp còn có thể muối chua và làm thành món ăn hấp dẫn được nhiều người Việt yêu thích.