Chiều 20/6, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp cùng UBND huyện Thạnh Phú (Bến Tre) tổ chức Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”.
Cây xoài tứ quý được xem là một trong những cây trồng chính của nông dân tại các xã vùng ven biển như Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) với hơn 700 hộ dân tham gia trồng, có tổng diện tích trên 300 ha, năng suất trung bình 30 – 40 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 300 đến 400 triệu/ha/năm. Đây được xem là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân trên địa bàn.
Để đưa xoài tứ quý vươn xa, huyện Thạnh Phú đã chủ trương hỗ trợ thành lập hợp tác xã nhằm định hướng các hộ trồng xoài theo hướng an toàn, nâng cao khoa học – kỹ thuật, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến phát triển bền vững.
Trong năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, UBND huyện Thạnh Phú đã lập hồ sơ gửi Cục Sở hữu Trí tuệ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú” và được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận vào ngày ngày 12/3/2019. Chủ sở hữu nhãn hiệu “Xoài tứ quý Thạnh Phlà UBND huyện Thạnh Phú và UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
Để dần hướng đến và khẳng định thương hiệu “Xoài tứ quý Thạnh Phú”, ngoài việc hỗ trợ các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn hỗ trợ UBND huyện Thạnh Phú thực hiện dự án khoa học và công nghệ “Quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm xoài tứ quý huyện Thạnh Phú” nhằm mục đích tạo nhiều sản phẩm tốt, chất lượng cao.
Theo ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, bối cảnh hội nhập đặt ra cho người trồng xoài bài toán phát triển diện tích trồng xoài nhanh và bền vững, đồng thời có sức cạnh tranh trên thị trường. Bài học từ thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố, là “chìa khóa” để giải bài toán này. Việc tạo lập, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận nói chung và “ Xoài tứ quý Thạnh Phú” nói riêng mới chỉ là bước đầu, ông Lâm Văn Tân đề nghị trong thời gian tới, UBND huyện Thạnh Phú, ngay sau khi công bố nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Xoài tứ quý Thạnh Phú” sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận này.
Đồng thời, UBND huyện Thạnh Phú cần tăng cường chỉ đạo triển khai giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển bền vững hoạt động sản xuất, duy trì chất lượng ổn định của sản phẩm; thực hiện các thủ tục cấp quyền sử dụng, quản lý tem nhãn đơn giản, nhanh chóng, tạo điều kiện để người nông dân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, bảo vệ uy tín của nhãn hiệu.
Đặc biệt, huyện Thạnh Phú cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “Xoài tứ quý Thạnh Phú” thông qua các hội chợ để kết nối với thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cần tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận trên.
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú” được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ sẽ là một bước tiến mới cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Thạnh Phú trong thời gian tới. Xoài tứ quý Thạnh Phú sẽ là sản phẩm thế mạnh của địa phương để tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm này được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sẽ là cơ hội để hộ nông dân trồng xoài nói riêng và huyện Thạnh Phú nói chung, các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục phát huy danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, bảo vệ và khẳng định chất lượng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trong thời gian qua tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy tối đa hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng. Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ như: Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2020; Kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre… đã mang lại một số kết quả nhất định. Các thương hiệu được xây dựng, xác lập quyền với 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận và 17 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận.