Trồng táo đặc sản tên đã ngọt lịm, cử nhân Bắc Giang bất ngờ thu lãi 2 tỷ/năm

Tốt nghiệp đại học rồi đi làm về lĩnh vực xuất khẩu nông sản, đang ổn định thì “quay xe” về quê trồng ổi, đu đủ, chanh đào. Đó là câu chuyện về cử nhân nông dân Nguyễn Văn Đoàn (SN 1986, ở thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Nhưng bước ngoặt đã tới khi anh Đoàn chuyển hướng sang trồng loại táo đặc sản Đại Mật và tìm ra bí quyết thu tiền tỷ mỗi năm.

Trồng thành công giống táo Đại Mật cho trái to, ăn giòn và ngọt, anh Đoàn thu lãi 2 tỷ đồng/năm.
Trồng thành công giống táo Đại Mật cho trái to, ăn giòn và ngọt, anh Đoàn thu lãi 2 tỷ đồng/năm.

Năm 2010, anh Đoàn tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Cũng như nhiều thanh niên mới ra trường, anh ở lại Hà Nội “đầu quân” cho một công ty chuyên về xuất nhập khẩu nông sản. Sau một thời gian bươn chải, anh quyết định về quê, đầu tư cải tạo đất ruộng, vườn để trồng ổi, đu đủ, chanh đào.

Năm 2015, anh Đoàn được một thương lái giới thiệu về táo Đại Mật (một loại táo của Đài Loan, Trung Quốc) có đặc điểm quả to, ngọt đậm, giòn, thanh mát được thị trường ưa chuộng. Anh tự tìm hiểu tài liệu, các clip hướng dẫn, giới thiệu về giống táo này và thuê người phiên dịch.

Anh Đoàn chăm sóc vườn táo đặc sản Đại Mật.
Anh Đoàn chăm sóc vườn táo đặc sản Đại Mật.

Sau một thời gian nghiên cứu, anh quyết định nhờ người bên Đài Loan đưa giống táo về trồng trên diện tích hơn 1,5 ha. Anh chia sẻ: Trồng táo Đại Mật, yếu tố quan trọng hàng đầu là giống phải bảo đảm chất lượng. Bón phân cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Quan tâm diệt nhện đỏ, sâu ăn lá và bệnh phấn trắng. Đây là những loài sâu bệnh dễ phát sinh gây hại trên cây táo.

Vườn táo xanh mướt của anh Đoàn rộng ngút tầm mắt. Từng cây táo khỏe khoắn và cho sai trĩu quả. Chúng được trồng theo hàng lối rất ngăn nắp. Giống táo anh Đoàn trồng khi chín táo ăn rất ngọt và giòn vì thế bà con gọi là giống táo mật.

Anh Đoàn triển khai mắc lưới chống côn trùng cho vườn táo đặc sản Đại Mật.
Anh Đoàn triển khai mắc lưới chống côn trùng cho vườn táo đặc sản Đại Mật.

Bước sang năm thứ ba, anh ngạc nhiên khi gia đình thu hoạch táo, bán được gần 1 tỷ đồng. Có kinh nghiệm, anh mở rộng diện tích lên 3 ha, gấp đôi so với ban đầu. Toàn bộ diện tích trồng táo anh Đoàn đều áp dụng quy trình VietGAP, chất lượng hơn hẳn so với các loại táo khác.

Hầu hết táo Đại Mật của gia đình anh được tiêu thụ tại các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Năm nay, ước đạt sản lượng từ 80-90 tấn quả. Giá bình quân hiện giờ khoảng 40.000 đồng/kg (loại từ 7-8 quả/kg), trừ chi phí đầu tư, chăm bón, gia đình anh ước tính thu hơn 2 tỷ đồng.

Vườn táo Đại Mật của anh Đoàn đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương.
Vườn táo Đại Mật của anh Đoàn đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân quanh vùng cùng tham gia trồng táo. Hai năm gần đây, ngoài chiết ghép giống táo Đại Mật, anh còn tìm hiểu và sản xuất một số giống cây trồng khác cung cấp cho bà con nông dân. Từ mô hình này, anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động; vào vụ thu hoạch tạo việc làm cho khoảng 20 lao động.

Trồng thành công giống táo Đại Mật trên quy mô lớn, anh Đoàn còn chuẩn bị đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu. Hiện nay, Hội Nông dân huyện Lục Nam đang triển khai hỗ trợ anh Đoàn xây dựng sản phẩm OCOP cho “Táo Đại Mật Đoàn Nguyễn”./.

Tin Liên Quan