KỸ THUẬT ĐƯƠNG QUY

Giá bán: Liên hệ

+ Luôn có khả năng cung cấp số lượng lớn với giá cả hợp lý.

+ Giá chưa bao gồm phí vận chuyển và VAT.

+ Có khả năng cung cấp cây ăn quả trưởng thành từ 1 năm tuổi trở lên - giá trao đổi.

    KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĐƯƠNG QUY

    ĐƯƠNG QUY

    Tên khoa học: Angelica acutiloba (Sieb.et.Zucc) Kitagawa.

    Họ:  Hoa tán – Apiaceae.

    Tên vị thuốc: Đương quy.

    Hoa và củ Đương quy

    1. Nguồn gốc thực vật:

    Cây đương quy được nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 1990, cho đến nay chưa tìm thấy Đương quy mọc tự nhiên trong hệ thực vật Việt Nam. Đương quy được trồng và sử dụng nhiều ở Trung Quốc là loài Angelica sinensis, ở Triều Tiên và Nhật Bản trồng và sử dụng loài Angelica acutiloba.

    1. Đặc điểm sinh học và điều kiện sinh thái.

    2.1. Mô tả thực vật:
    Cây có chiều cao từ 75 – 100 cm khi ra hoa. Lá có cuống dài, có bẹ lá phía gốc, cuống lá màu tím nhạt, lá xẻ lông chim 3 lần, mép lá có răng cưa, không có lông, hoa tự hình tán kép, cánh hoa màu trắng. Hoa của bông trung tâm nở trước, sau đó lần lượt đến hoa ở cành cấp 1, cấp 2, cấp 3. Thứ tự các cấp cành nở hoa cách nhau từ 4 – 6 ngày. Quả bế đôi, thuôn dài 4 – 5 mm, hẹp dần về phía gốc. Tâm bì có gân, có 4 – 5 ống dẫn ở phần lưng, bốn chiếc ở mặt bụng. Rễ cọc có rễ phụ, toàn thân có mùi thơm đặc biệt.

    Cây ra hoa tháng 3 – 4, quả chín tháng 6 – 7.

    2.2. Điều kiện sinh thái:
    Ở Nhật Bản, Đương quy mọc hoang ở các vùng Mt.Ibuki và vùng ven sông Hida. Đương quy thích ứng với khí hậu mát ẩm, biên độ nhiệt độ 15 – 25°C, lượng mưa 1600 – 2000 mm/năm, đất giàu mùn.
    Đương quy là cây có nguồn gốc từ ôn đới, nên khi trồng ở Việt Nam đều phải bố trí thời vụ gieo trồng sao cho thời kỳ sinh trưởng mạnh của cây đúng vào lúc nhiệt độ chưa cao (đông-xuân).

    1. Giá trị sử dụng làm thuốc 
      Bộ phận sử dụng làm thuốc: Rễ củ
      Rễ củ cây đương quy là một vị thuốc quý, không thể thay thế trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Nó được dùng làm thuốc bổ, thuốc chữa bệnh phụ nữ, thuốc trị các bệnh thiếu máu, đau đầu, suy tim, gầy yếu, mệt mỏi, viêm khớp, tê liệt. Về chất lượng dược liệu, hàm lượng chất tan trong cồn 50° trên 35% (vượt tiêu chuẩn ghi trong dược điển Nhật Bản). Khi cây được trồng ở Việt Nam, hàm lượng đường đơn 10 – 14%, hàm lượng polysaccharid 10 – 13%.
    2. Kỹ thuật sản xuất dược liệu
      4.1. Giống và kỹ thuật xử lý gieo hạt
      Giống cho sản xuất dược liệu là hạt thu từ cây 2 năm tuổi, hạt chắc mẩy, tỷ lệ nẩy mầm trên 70%. Hạt giống đương quy trong điều kiện bảo quản thông thường rất dễ mất sức nảy mầm, khi gieo tỷ lệ mọc mầm kém. Vì vậy tốt nhất là nên lấy hạt giống vừa thu hoạch năm đó đem gieo thì tỷ lệ nảy mầm tốt.

      Lượng hạt giống gieo cần 9 – 10 kg/ha. Trước khi gieo có thể ngâm vào nước ấm 40 – 45°C ( tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh ) trong thời gian 1 – 2h. Sau đó vớt ra đãi nhiều lần rửa sạch nước chua, để ráo nước đem gieo. Cũng có thể ủ hạt giống (theo kiểu ngâm giá đỗ) cho hạt nảy mầm sau đó đem gieo.

    4.2. Phương thức trồng
    Trồng đương quy để thu dược liệu có thể dùng một số phương pháp sau: gieo hạt qua vườn ươm sau đó đánh cây đi trồng, gieo hạt trực tiếp (gieo thẳng) hoặc có thể gieo hạt vào bầu sau đó đưa đi trồng.

    * Phương pháp gieo hạt trên vườn ươm:
     Đất vườn ươm chọn nơi bằng phẳng, ít sỏi đá, thuận tiện tưới tiêu nước. Đất được làm nhỏ, lên luống cao 20 – 25 cm, rộng 90 cm. Bón lót cho 1ha với lượng 10 tấn phân chuồng hoai mục + 250 kg supe lân + 10 kg kali clorua. Rải đều các loại phân lên mặt luống, trộn đều phân vào đất, san phẳng mặt luống, sau đó rắc đều hạt trên luống. Gieo xong phủ rơm rạ kín mặt luống và thường xuyên tưới nước để đất đủ ẩm. Sau khi hạt mọc mầm (khoảng 15 ngày) dỡ bỏ rơm rạ. Cần tiến hành làm cỏ và tỉa bớt cây xấu. Khi cây có 6 – 7 lá tỉa định cây để khoảng cách cây 7 – 10 cm. Sau mỗi lần làm cỏ, tỉa cây có thể tưới thúc phân chuồng loãng. Khi cây được 8 – 9 lá, chọn cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh, đánh trồng ra ruộng sản xuất.

    * Gieo thẳng lên ruộng: 
     Sau khi lên luống xong, dùng vồ hoặc gậy đập nhỏ đất mặt luống. Rạch ngang luống với khoảng cách 20 – 20 cm, gieo hạt đều theo hàng đã rạch (hoặc gieo hốc). Gieo xong phủ rơm, rạ kín mặt luống, dùng thùng có vòi hoa sen để tưới ẩm thường xuyên. Sau khi gieo khoảng 13 – 15 ngày hạt bắt đầu mọc mầm, khi hạt mọc rộ cần dỡ bỏ rơm rạ phủ mặt luống.

    * Phương pháp gieo hạt trong bầu:
    Mỗi bầu gieo 4 – 5 hạt. Sau khi gieo xong phủ rơm rạ (hoặc xếp vào giàn có mái che) để tránh mưa. Tưới ẩm hàng ngày, chú ý không để cho mặt bầu bị váng. Sau khi gieo khoảng 15 ngày hạt bắt đầu nảy mầm, dỡ bỏ rơm rạ, vẫn tiếp tục tưới cho bầu đủ ẩm. Khi cây được 2 lá tỉa bớt các cây xấu; khi cây 3 lá tỉa định cây, mỗi bầu để 2 cây. Khi cây có 3 – 4 lá có thể mang cây ra ruộng trồng. Không để cây con quá lâu trong bầu. Trong giai đoạn cây con ở trong bầu nếu thấy cây cằn cỗi cần tưới thúc bằng nước hòa phân đạm pha loãng 7 – 10% để cây con sinh trưởng tốt. Đây là phương pháp tốt để chủ động có đủ cây con trồng, không sợ nhỡ thời vụ.

    4.3. Thời vụ trồng:
                Đương quy trồng thu dược liệu trồng ở đồng bằng ( gieo hạt tháng 10, thu hoạch tháng 6 – 7 năm sau ), thời gian sinh trưởng là 9 – 10 tháng.

    Đương quy trồng ở vùng núi cao như: Sapa, Tam Đảo, (gieo hạt tháng 10-11, thu hoạch vào tháng 11 – 12 năm sau), thời gian sinh trưởng phát triển là 11 – 12 tháng. 
    Đương quy trồng tại Tây Nguyên: tháng 6 – 7, thu hoạch vào tháng 10, 11 năm sau, thời gian sinh trưởng là 14 -18 tháng, dược liệu sẽ đảm bảo về hoạt chất. Do thời gian sinh trưởng sinh thực dài hơn nên trồng Đương quy ở vùng miền núi và Tây Nguyên củ sẽ to hơn, năng suất cao hơn, hoạt chất tốt hơn.

    4.4. Chuẩn bị đất trồng
    Chọn đất: Đất cát pha, phù sa hoặc thịt nhẹ, thoát nước tốt. pH: 6,5 – 7. Tầng canh tác trên 30cm.

    Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống cao 30 – 35 cm, mặt luống rộng 80 – 90 cm, rãnh 30 cm.

    4.5. Chuẩn bị phân bón và cách bón phân: 
    – Phân chuồng mục 20 tấn + 400 kg urê + 900 kg supe lân + 170 kg kali clorua/ha.

    + Bón lót:

    Bón toàn bộ lượng phân chuồng + supe lân + 50% kali clorua
    + Bón thúc: Chia làm 3 đợt: 
    Đợt 1: Khi cây ra 6 lá bón 25% phân đạm.
    Đợt 2: Khi cây trải lá bón 25% đạm + 25% kali.
    Đợt 3: Trước khi thu hoạch 1,5 – 2 tháng bón nốt 25% đạm + 25% kali.

     4.6. Mật độ khoảng cách trồng
    Mật độ khoảng cách trồng trên luống thường là 125.000 – 130000 cây/ha với khoảng cách cây cách cây 20 x 20cm, hàng cách hàng 40cm.

    4.7. Chăm sóc:
    Sau khi gieo hạt ở vườn ươm hay ở ruộng gieo thẳng hoặc trong bầu phải tưới nước đều mỗi ngày 2 lần cho đất luôn ẩm, hạt sẽ nảy mầm sau 10 ngày và mọc đều sau 15 ngày. Sau khi hạt mọc tưới nước ít hơn, độ 1-2 ngày tưới một lần.

    Tỉa dặm và định cây: Cây mọc, nếu dày quá phải tỉa bớt những cây nhỏ, yếu và đến khi cây được 3-4 lá thật bứng ra trồng và định cây với khoảng cách 20cm một cây. Sau khi trồng 3-5 ngày cần kiểm tra kỹ, nếu gặp cây chết phải kịp thời trồng dặm cho mật độ được đồng đều để năng suất cao hơn.
    Làm cỏ: Khi cây còn nhỏ phải thường xuyên nhổ cỏ, không để cỏ lấn át cây con. Khi đã định cây hay cây trồng đã bén rễ, cần làm cỏ 20-30 ngày một lần cho đến khi lá cây phủ kín luống thì thôi, kết hợp với bón thúc phân. Nếu mưa rào nhiều, đất bị đóng váng cần xới xáo cho đất thoáng.

    4.8. Sâu bệnh và phương pháp phòng trừ:
    Cây Đương quy thường gặp các loại sâu, bệnh sau:

    + Các loại sâu: Sâu xám, sâu xanh, rệp, nhện đỏ.
    + Các bệnh: Lở cổ rễ, đốm lá, bệnh sùi củ.
    + Biện pháp phòng trừ: 
    Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, xử lý hạt, xử lý đất, dọn vệ sinh đồng ruộng thường xuyên. Đối với sâu xám thường gây hại trên vườn ươm vào giai đoạn mới trồng, có thể bắt bằng tay vào sáng sớm, hoặc rắc Basudin từ 40- 45 kg/ha. Sâu xanh, rệp có thể phun Sherpa 10EC, thuốc tập kỳ 18EC, Vipast 5ND với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, thời gian cách ly 10 – 15 ngày. Nhện đỏ (phát sinh vào tháng 5 – 6): Dùng Pegasus phun với nồng độ 0,1% hoặc Supracide 0,5% vào mặt dưới lá.
    Đối với các loại bệnh có thể dùng: Score 250ND nồng độ 0,1%. Boocđô 1%. Thời gian cách ly 14 – 21 ngày. Ngoài ra có thể luân canh có thể cải thiện tình hình bệnh của Đương quy.
    + Chú ý: Không dùng các loại thuốc cấm, các loại thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam và các loại thuốc hạn chế sử dụng.

    4.9. Thu hoạch:
    Vào tháng 11, 12 cây đương quy đã bắt đầu già, lá ngả màu vàng, cần tiến hành thu hoạch. Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, thu vào buổi sáng, tránh làm xây xát hay gẫy củ chính.

    Nếu được thâm canh tốt năng suất đương quy có thể đạt được 2,5 – 3 tấn dược liệu khô/ha.

    Chúc bà con thành công!

     

    Rất mong được cộng tác với Quí vị khách hàng trên toàn quốc.

    Mọi chi tiết xin liên hệ: TRUNG TÂM CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC TRANG TRẠI VIETGRAP

    Địa chỉ trụ sở giao dịch tại Miền Bắc:  TT Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội

    HOTLINE  – 0432161283/ 0942760699

    Email: giongcaytronghvnn@gmail.com

    Website chính: https://viencaygiongtrunguong.com/

    CHẤT LƯỢNG VÀ UY TÍN XÂY DỰNG NÊN THƯƠNG HIỆU