Tuyên Quang: Làm giàu từ măng Tây

(Vanhien.vn) Với tinh thần của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm anh Hoàng Anh Tuấn, tổ 13, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) đã mạnh dạn chọn măng tây là cây trồng để phát triển kinh tế gia đình. Anh là người trồng măng tây đầu tiên ở thành phố Tuyên Quang. Với giá thành cao, trung bình 70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Tuấn thu về trên 600 triệu đồng từ trồng măng tây.

Anh Tuấn giới thiệu hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên vườn măng tây mới trồng 20 ngày của gia đình.

Anh Tuấn cho biết: Trước đây, tôi làm nghề lái máy xúc nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn chứ chưa có tiền tích lũy để làm giàu. Khi đó tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, may mắn đầu năm 2015, tôi xuống nhà bạn ở Hà Nội chơi được bạn mời ăn món măng tây. Thấy món ăn lạ, rất ngon, ở Tuyên Quang chưa có ai trồng nên tôi tìm hiểu và quyết định chuyển  sang trồng măng tây. Đểhiểu rõ hơn về cây măng tây ngoài việc tìm hiểu trên mạng internet tôi còn về Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình… để học hỏi kỹ thuật trồng măng tây. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy chất đất ở khu vực nhà mình phù hợp với trồng măng tây nên giữa năm 2015, tôi quyết định mua 4.000 cây giống từ Quảng Bình về trồng trên 5 sào ruộng của gia đình.

 Anh Tuấn giới thiệu măng tây giống anh đã ươm thành công.

Chi phí đầu tư ban đầu lớn, tiền cây giống, cải tạo đất, phân bón… lên đến trên 400 triệu đồng nên anh Tuấn và cả gia đình vừa làm vừa lo. Vì trồng vào mùa hè nóng bức, thời tiết năm đó nắng hạn nên ròng rã 40 ngày đêm anh Tuấn phải túc trực ở ngoài ruộng để bơm nước tưới cây, giữ độ ẩm cho cây không bị chết. Sau đó, thời tiết thuận lợi nên ruộng măng tây của gia đình anh phát triển xanh tốt. Nhận thấy, hướng đi của mình là đúng nên anh Tuấn mạnh dạn thuê thêm đất công ích của phường để cải tạo và mở rộng diện tích măng tây của gia đình lên 0,7ha. Là loại rau ít người biết đến nên khi bắt đầu trồng, anh Tuấn đã nhập măng tây ở địa phương khác về biếu cho bạn bè, một số cơ quan và các nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời đưa sản phẩm chào bán trên mạng xã hội… và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Sau 5 tháng lứa măng tây đầu tiên của gia đình anh cho thu hoạch cũng là thời điểm nhiều người đã biết đến và tin dùng, nên sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết luôn đến đó.

Anh Tuấn giới thiệu cách chăm sóc măng tây trên ruộng măng tây đã được trồng 3 tháng.

Anh Tuấn chia sẻ: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì cây măng tây có chất chống ung thư, ngăn ngừa lão hóa, tốt cho tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm, đẹp da, giá trị dinh dưỡng cao… Đặc biệt, măng tây hoàn toàn là rau sạch, bởi quá trình trồng, chăm sóc cây măng tây phải theo đúng quy trình kỹ thuật, nếu dùng quá hàm lượng phân bón hoặc phải phun thuốc… cây sẽ không cho năng suất cao. Đây cũng là lý do khiến măng tây có giá thành cao hơn các loại rau thông thường.

Hiện nay, gia đình anh Tuấn đã mở rộng diện tích trồng măng tây lên trên 1ha. Một năm cây măng tây cho 8 tháng thu hoạch, trong 8 tháng này mỗi ngày gia đình anh Tuấn thu 40 – 50kg măng tây, với giá trung bình 70.000 đồng/kg. Mỗi thángtrung bình gia đình anh thu về 80 triệu đồng tiền măng tây. Một năm, trung bìnhgia đình anh Tuấn thu về trên 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng.Để sản phẩm măng tây của gia đình phát triển bền vững trên thị trường, anh Tuấn tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho măng tây của gia đình. Năm 2017, sản phẩm măng tây Anh Tuấn đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam. Hiện, măng tây của gia đình anh đang được bán tại các siêu thị ở Hà Nội và tại các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái anh đều có các đại lý bán lẻ măng tây. Bên cạnh đó, từ mô hình trồng măng tây của gia đình, anh Tuấn còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, với mức lương từ 4- 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Vì giá cây giống măng tây đắt, chi phí vận chuyển cao (khoảng 18.000 đồng/cây) nên để mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu tư ban đầu hướng tới cung ứng cây giống, anh Tuấn đã tìm tỏi hỏi học, mua hạt giống về ươm.Anh Tuấn cho biết: Hạt giống cây măng tây rất đắt, hơn 100 triệu đồng/kg nên ban đầu tôi chỉ dám mua từ 5-7 triệu đồng tiền hạt giống về ươm thử, sau nhiều lần thất bại, hiện nay tôi đã có thể ươm hạt giống măng tây với tỷ lệ nảy mầm lên đến 90%. Năm 2017, măng tây giống và măng tây thương phẩm của gia đình tôi đã được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế chứng nhận là sản phẩm tin cậy.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tuấn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ người khác phát triển kinh tế. Hiện nay, anh đang liên kết, hỗ trợ cho một số hộ dân tại 5/6 huyện của tỉnh Tuyên Quang trồng măng tây để phát triển kinh tế gia đình. Anh Lê Hữu Mạnh, xóm 2, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết: Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác mua giống măng tây của anh Tuấn đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh. Ngoài hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, anh Tuấn còn bao tiêu sản phẩm và cho các gia đình mua cây giống theo hình thức “trả góp”. Nếu hộ nào điều kiện kinh tế khó khăn thì chỉ cần trả trước 40% tiền cây giống, số còn lại sẽ trả dần khi thu hoạch măng. Gia đình tôi bắt đầu trồng măng tây từ đầu năm 2017, với gần 2.000 cây, dự kiến đợt thu hoạch măng tây tới đây gia đình tôi sẽ thu hồi được số vốn bỏ ra ban đầu, sau đó sẽ thu lãi…

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng măng tây anh Tuấn cho biết: Cây măng tây nếu chăm sóc tốt, đúng các quy trình kỹ thuật thì một lần trồng có thể thu hoạch được 10 năm. Muốn cây măng tây cho năng suất cao nhất thì người trồng phải luôn luôn duy trì độ ẩm của đất trong tỷ lệ cho phép (khoảng 60-70%), nếu quá ẩm rễ cây sẽ bị thối rễ; phải bón kết hợp cả phân chuồng và phân vi sinh, phân chuồng phải ủ mục trước khi bón. Đồng thời, chia giai đoạn bón phân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây,bón đúng liều lượng; khi cây lớn cần loại bỏ những lá già ở gốc, tạo độ thoáng cho măng phát triển… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đi khảo sát các huyện trên địa bàn tỉnh, nơi nào chất đất phù hợp với trồng măng tây tôi sẽ liên kết với người dân ở nơi đó để trồng măng tây. Bởi hiện nay, sản lượng măng tây của gia đình tôi mới đáp ứng được 60-70% nhu cầu của thị trường…

Ông Trần Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang cho biết: Anh Hoàng Anh Tuấn là người chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, là người tiên phong đưa mô hình trồng măng tây vào áp dụng tại địa phương. Mô hình này đang là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Ỷ La. Từ mô hình của anh Tuấn và qua thực tế tìm hiểu tại nhiều địa phương khác nhau, năm 2016, phường đăng ký thực hiện Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây măng tây nhập ngoại theo hướng sản xuất hàng hóa tại phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Thực hiện Dự án, cuối năm 2017, phường đã tiến hành trồng 1ha măng tây trên diện tích đất công ích của phường. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị cho người dân trong quá trình sản xuất, thay đổi tư duy trong tích tụ ruộng đất. Đồng thời thay đổi tư duy cho cán bộ phường trong việc nghiên cứu khoa học…

Tin Liên Quan