Tin vui cho nông dân Ninh Thuận: Bưởi Phước Bình chính thức được cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ

Vùng trồng bưởi ở xã Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là vùng trồng bưởi đầu tiên ở Ninh Thuận được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường “khó tính” như Mỹ.

Vùng trồng bưởi đầu tiên ở Ninh Thuận xuất khẩu sang Mỹ

Chiều 31/5, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được văn bản của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) về việc cấp mã số vùng trồng cho bưởi Phước Bình, huyện Bác Ái để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Theo Sở NNPTNT Ninh Thuận, đây là tin vui cho người trồng bưởi ở xã Phước Bình nói riêng và nông dân trồng bưởi tỉnh Ninh Thuận nói chung.

Bưởi Phước Bình ở Ninh Thuận được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - Ảnh 1.
Vườn bưởi xanh mướt, trĩu quả trên sườn đồi của một hộ dân ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng (PB.32.02.01.001) cho 23ha bưởi của nông dân ở xã miền núi Phước Bình.

Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết, đây là mã số vùng trồng thứ 16 được cấp ở Ninh Thuận.

Trước đó, trong năm 2022 đã được cấp 10 mã số với hơn 80ha các loại cây trồng như măng tây, nha đam, dưa lưới…

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh được cấp mới 6 mã số vùng trồng, mới nhất là mã số vùng trồng bưởi Phước Bình với diện tích 23ha. 

Đây cũng là vùng trồng bưởi đầu tiên được cấp phép sang thị trường Mỹ.

Bưởi Phước Bình ở Ninh Thuận được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - Ảnh 3.
Ông Đà Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cùng hội viên trồng bưởi. (Ảnh: Đức Cường)

“Hiện đơn vị đã tiến hành thông báo cho đại diện mã vùng trồng bưởi tại xã Phước Bình biết và thông tin công khai đến nông dân trồng bưởi. Chi cục cũng giao cho trạm kiểm dịch thực vật nội địa chủ trì phối hợp với các ngành chuyên môn huyện Bác Ái và UBND xã Phước Bình tiếp tục theo dõi, giám sát vùng trồng bưởi. Việc này nhằm đảm bảo duy trì và tuân thủ quy định của nước nhập khẩu 90 ngày trước vụ thu hoạch tiếp theo…”, ông Phạm Dũng cho hay.

Nông dân trồng bưởi người Raglai vui mừng

Chiều 31/5, trao đổi với Dân Việt, ông Đà Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình tỏ ra vui mừng khi hay tin bưởi được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ. 

Việc này sẽ mở ra cánh cửa cho bưởi Phước Bình đến với thị trường thế giới, từ đó, tạo đầu ra ổn định cho quả bưởi, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bưởi Phước Bình ở Ninh Thuận được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - Ảnh 4.
Chị Katơ Thị Sín vui mừng khi quả bưởi Phước Bình sắp có “chỗ đứng” trên thị trường. (Ảnh: Đức Cường)

Chị Katơ Thị Sín, nông dân thôn Gia É, xã Phước Bình cho biết, đối với bà con trồng bưởi thì việc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ là niềm vui rất lớn. Vì khi đó sản phẩm bưởi Phước Bình sẽ được nhiều người biết đến, có nguồn gốc rõ ràng để xây dựng thương hiệu giúp nông dân thoát cảnh giá cả bấp bênh, phụ thuộc thương lái.

“Quả bưởi được xuất khẩu sẽ tạo đầu ra ổn định để nông dân chúng tôi có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo bền vững…”, chị Sín cho hay.

Được biết, xã Phước Bình là địa phương chuyên canh cây bưởi lớn nhất ở tỉnh Ninh Thuận. 

Nông dân trồng bưởi chủ yếu là người dân tộc Raglai, việc cấp mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để quả bưởi da xanh Phước Bình xuất khẩu ra thị trường nước ngoài theo con đường chính ngạch.

Bưởi Phước Bình ở Ninh Thuận được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - Ảnh 6.
Những vườn bưởi của đồng bào Raglai xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận trải dài xanh mướt dưới chân đồi. (Ảnh: Đức Cường)

Xã Phước Bình nằm ở phía Tây Bắc huyện Bác Ái và là xã miền núi cực Bắc của tỉnh Ninh Thuận, giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Địa hình xã Phước Bình chủ yếu là đồi núi với dân số chủ yếu là người dân tộc Raglai, sinh sống và canh tác trên các sườn đồi.

Những năm gần đây, địa phương này đã tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Qua đó, đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao lên đến 1.838 ha với các loại cây trồng như: Điều, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Trong đó, có gần 200ha trồng bưởi xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin Liên Quan