Nghệ An: Trồng bưởi da xanh xen chè cho thu nhập cao

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi canh tác cây trồng – vật nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) phát triển khá mạnh.
Trong đó, mô hình trồng bưởi da xanh xen chè đã và đang là hướng đi mang lại thu nhập cao.

Mô hình trồng bưởi da xanh xen canh trên cây chè đã và đang là hướng đi hiệu quả mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng bưởi da xanh xen canh trên cây chè đã và đang là hướng đi hiệu quả mang lại thu nhập cao

 Gia đình anh Bùi Anh Dũng (thôn 2-9, xã Bồng Khê) là một trong những hộ điển hình chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh thành công.Trước đây, trên diện tích hơn 3.000m2, gia đình anh chủ yếu trồng cây ngắn ngày như ngô, lạc, sau đó chuyển sang trồng chè, hiệu quả kinh tế không cao, giá lại bấp bênh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Trăn trở trồng cây gì đem lại hiệu quả kinh tế cao, thoát khỏi cảnh nghèo đói, anh Dũng đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây ăn quả ở một số tỉnh miền Nam. Đầu năm2014, gia đình mạnh dạn chuyển 3.000m2đất màu đang trồng chè sang xen canh thêm 100 gốc bưởi da xanh.

Qua 5 năm trồng và chăm sóc, cây bưởi sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao. Hiện 100 gốc bưởi đang cho thu hoạch, dự tính đạt khoảng 4 tấn quả, với giá bán tại vườn 40-45 nghìn đồng/kg, cho thu gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, thu nhập từ cây chè đạt khoảng 20 triệu đồng/ năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dũng còn cung ứng cây giống và hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật canh tác cho nhiều nông dân có nhu cầu chuyển đổi từ đất màu kém hiệu quả sang trồng bưởi.

a3.JPG
Trung bình mỗi gốc bưởi cho 40-50 quả

Anh Dũng chia sẻ:“Trồng bưởi bước đầu gặp nhiều khó khăn, phần chưa nắm bắt được kỹ thuật, phần sợ không phù hợp với khí hậu địa phương. Nhưng đến giờ thì có thể khẳng định, cây bưởi hiệu quả hơn so với nhiều cây trồng khác. Nhất là trồng bưởi xen chè, chè thu nhập đều hàng năm mà không ảnh hưởng đến cây bưởi. Trồng bưởi cho thu nhập cao do giá cả ổn định nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn trước”.

Cách nhà anh Dũng không xa là gia đình chị Bùi Thị Vân. Năm 2014, trên diện tích 3.600m2, gia đình chị trồng 130 gốc bưởi xen canh chè. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt nên vườn bưởi đang cho thu hoạch đại trà. Trung bình mỗi cây bưởi có 40-50 quả, mỗi quả nặng 1,4-2kg/quả. Với giá bán hiện tại, trừ chi phí, gia đình thu được 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình thu hái 6 lứa chè, mỗi lứa 5 triệu đồng.

a2.JPG
Mỗi quả bưởi có trọng lượng 1,4-2kg, giá bán cho thương lái thu mua tại vườn là 40-45 nghìn đồng/kg

“Bưởi và chè kết hợp trồng xen có nhiều thuận lợi, giảm chi phí phân bón và nước tưới. Khi tưới cho bưởi, cây chè cũng được hưởng. Bưởi là loại cây tỏa bóng nên che mát cho cây chè. Chè trồng xen sinh trưởng tốt, do hấp thụ lượng phân bón tồn đọng của cây bưởi và môi trường nước, ánh sáng thích hợp.

Bên cạnh đó, cây bưởi còn tạo độ ẩm, độ tơi xốp cho cây chè phát triển. Theo chị Vân, điều khó khăn nhất đối với các hộ trồng bưởi ở đây là tình trạng khô hạn, thiếu nguồn nước tưới. “Mong chính quyền quan tâm tạo điều kiện về nguồn điện ổn định để người dân đảm bảo nguồn nước tưới chống hạn cho cây trồng”, chị Vân cho biết thêm.

a4.JPG
Mô hình chuyển đổi canh tác từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp mở ra một triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở các xã miền núi của huyện Con Cuông

Theo tính toán, 1 ha bưởi từ sau 5 năm trở đi có thể cho sản lượng khoảng 25 tấn quả. Vài năm trở lại đây, phong trào trồng bưởi da xanh được nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển. Hiện toàn xã Bồng Khê có khoảng 3ha bưởi da xanh, chủ yếu trồng ở thôn 2-9 và thôn Vĩnh Hoàn.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết: Mô hình chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đang là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền người dân tận dụng vùng đất kém hiệu quả trước đây chuyển sang trồng cây lâu năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững, gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Tin Liên Quan